Thiết kế của The Village House mang nét văn hóa nhà ở 3 gian truyền thống. Ngôi nhà có hàng hiên thấp, sử dụng gỗ làm vật liệu chính, lối vào nhỏ, mái nhà dốc, thấp, không gian sân trước vườn sau…, lưu giữ giá trị của những ngôi nhà nông thôn vùng quê Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.
Thông tin công trình:
- Tên công trình: The Village House
- Đơn vị thiết kế và thi công: Cia design studio
- Kiến trúc sư chủ trì: Nguyễn Tiến Chung
- Chủ đầu tư: Ung Viết Tuấn
- Vị trí: Thôn Bích Tân, Xã Tam Xuân 1, Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam
- Ảnh: Hoàng Lê
- Diện tích đất : 1490 m2
- Diện tích sàn: 175 m2
- Năm dự án: 2019-2021
Công trình lấy ý tưởng từ nhà ở 3 gian truyền thống. Qua dự án, đội ngũ KTS muốn giao hòa văn hóa kiến trúc bản địa và kiến trúc hiện đại, muốn lưu giữ những giá trị của những ngôi nhà ở nông thôn 3 gian vùng quê Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.
Kết hợp những vật liệu bền vững như bê tông cốt thép chịu lực, lợp mái đá tự nhiên, sử dụng gỗ mít ta để làm tường bao che, vách lam che nắng, vách gỗ, trần đóng gỗ keo vàng. Đặc biệt nhóm KTS hạn chế xây tường và sử dụng 50 bộ cửa bức bàn, hàng hiên bọc quanh hồ nước trung tâm giúp kết nối các không gian chặt chẽ.
Không gian bên trong được chia làm 3 gian bao gồm khách và bếp, 3 phòng ngủ, một phòng thờ và 2 phòng vệ sinh. Lấy hồ nước và sân trong làm trung tâm kết nối các không gian lại với nhau bởi một hành lang được xem như là hiên nhà truyền thống, vừa làm khoảng đệm cho các không gian sử dụng, vừa che mưa, che nắng, và hỗ trợ tối đa sự tương tác giữa thiên nhiên với con người, giữa con người với con người. Từ đó tạo sự kết nối tối đa ánh sáng, gió tự nhiên, con người cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên tốt hơn. Mọi không gian bên trong công trình đều sử dụng ánh sáng tự nhiên và lấy gió mát từ con sông Tam Kì phía sau thổi vào bởi hệ cửa lùa hướng Đông Bắc. Việc tận dụng lợi thế tối đa các mặt thoáng tiếp xúc tự nhiên nhằm sử dụng khí trời, gió tươi, sử dụng hệ lam đứng và tường dây leo đã cải thiện được bức xạ nhiều trực tiếp từ mặt trời hướng tây.
Mặt bằng bố trí 50 bộ cửa bức bàn giúp gia chủ chủ động trong việt kiểm soát toàn bộ viện đón gió, lấy gió, khắc phục những nhược điểm của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa miền trung, có thể mở nhiều hướng để đón gió theo từng mùa trong năm.
Về hình khối, công trình sử dụng mái dốc mỗi gian hai mái quen thuộc vùng quê, lấy gian thờ làm gian chính nằm ở giữa, bố trí mái có độ dộc cao hơn, đỉnh mái cao tôn lên sự trang nghiêm cho không gian này, mái gian thờ cong ôm lấy hai gian còn lại theo thủ pháp đối xứng giúp liên kết các gian lại với nhau một cách chặt chẽ.
Công trình có khoảng lùi 12m so với đường bê tông chính liên xã, tạo một khoảng sân vườn lớn phía trước nhằm giảm thiểu tác động khói bụi, tiếng ồn, từ xe cộ, có không gian xanh và di dời cổng nhà cũ sang góc bên phải tạo chiều sâu không gian và có khoảng đệm cho công trình.
Đồng thời, ngôi nhà sử dụng tối đa các điều kiện tự nhiên sẵn có như gỗ mít, gỗ keo tràm, đá xanh,… nhằm giảm thiểu tối đa nguồn năng lượng điện, nước. Công trình cũng được xoay về hướng Nam, tổ chức cây xanh, mặt nước giữa công trình nhằm đón gió, đối lưu không khí và hạn chế bức xạ nhiệt vào mùa hè.
Nhóm KTS đã đưa ra đề xuất thiết kế là đảm bảo tất cả không gian sử dụng không sử dụng điện chiếu sáng ban ngày, hoàn toàn không sử dụng quạt, điều hòa, sử dụng điện năng lượng mặt trời, thu nước mưa tái sử dụng cho việc tưới tiêu sân vườn.
Nhờ vào các không gian mở đã giúp cho công trình kiểm soát được toàn bộ ánh sáng sử dụng, tiết kiệm được năng lượng điện chiếu sáng, ban ngày hoàn toàn không sử dụng điện chiếu sáng, ngay cả khi đóng kín cửa thì vẫn có khe sáng trên mái nhà lấy sáng cho không gian bên trong.
Đội ngũ KTS đã “vay mượn” thiên nhiên, không tốn kém chi trả cho thiên nhiên rất nhiều thứ như ánh sáng, gió, cây cối, đá, gỗ, năng lượng điện mặt trời,.. Ngôi nhà trở thành nơi lưu giữ nét văn hóa nhà ở dân gian, sự kết hợp hài hòa với bê tông cốt thép, kính,… giúp khắc phục tối đa nhược điểm của những ngôi nhà ở ba gian truyền thống thiếu ánh sáng bên trong, bền vững với thời gian.
Nhiều hình ảnh văn hóa của nhà ở nông thôn Quảng Nam được lưu giữ tại đây như hình cây cây mai trước nhà, hàng cau xung quanh, lối vào nhỏ lệch bên, gian thờ nằm giữa, mái nhà dốc, hàng hiên thấp có mành che, sân trước- vườn sau, vật liệu gỗ, gian thờ chính giữa ngôi nhà….
Với triết lý thiết kế lấy tự nhiên làm gốc, tận dụng những văn hóa nhà ở sẵn có và khắc phục những nhược điểm nhà ở truyền thống, cho công trình trở nên đặc sắc hơn, hiệu quả hơn, mang lại không những về giá trị tiện nghi sử dụng mà còn lưu giữ giá trị văn hóa nhà ở dân gian Quảng Nam nói riêng, nét văn hóa nhà ở 3 gian cổ truyền nói chung.